Nội dung cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN ...

Ngày 19/6/2013, Quốc hội đã ban hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 32/2013/QH13  có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Năm 2014 cũng là năm Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Để việc quyết toán thuế TNDN năm 2014 được thực hiện theo đúng quy định của Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12; Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13; Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013; Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014; Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014; Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục thuế tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp lưu ý một số nội dung khi quyết toán thuế TNDN năm 2014:

PHẦN 1 - VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ TNDN.

Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, lưu ý thêm một số văn bản hướng dẫn chung của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế sau:

1. Công văn số 2785/TCT-CS ngày 23/7/2014 của Tổng cục Thuế giới thiệu nội dung mới của Thông tư số 78/2014/TT-BTC về thuế TNDN trong đó bao gồm 18 nội dung có thay đổi so với trước đây cụ thể: (i) Về phương pháp tính thuế TNDN quy định tại Điều 3; (ii) Về việc xác định thu nhập tính thuế quy định tại Điều 4; (iii) Về việc xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế quy định tại khoản 1 Điều 5; (iv) Về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế quy định tại khoản 2 Điều 5; (v) Về việc xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 5; (vi) Về các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại khoản 1 Điều 6; (vii) Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định khoản 2 điều 6; (viii) Về các khoản thu nhập khác quy định tại Điều 7; (ix) Về thu nhập miễn thuế quy định tại Điều 8; (x) Về việc xác định lỗ và chuyển lỗ quy định tại điều 9; (xi) Về việc trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp quy định tại Điều 10; (xii) Thuế suất thuế TNDN quy định tại Điều 11; (xiii) Về thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn quy định tại Điều 14; (xiv) Thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản quy định tại Điều 15;  (xv) Về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế TNDN quy định tại Điều 18; (xvi) Về thuế suất ưu đãi quy định tại Điều 19; (xvii) Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều 20; (xviii) Về Hiệu lực thi hành quy định tại Điều 23.

2. Mục IV công văn số 3609/TCT-CS ngày 26/8/2014 của Tổng cục Thuế giới thiệu nội dung mới của Thông tư số 119/2014/TT-BTC về cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế trong đó có nêu các nội dung mới thay đổi tại Thông tư:

(i) Thông tư có hướng dẫn rõ đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không phải tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp và có các ví dụ.

(ii) Bổ sung hướng dẫn tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với trường hợp mua hàng hóa dịch vụ có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn.

(iii) Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án có quy mô lớn, theo đó sửa đổi tiêu chí về dự án quy mô lớn phù hợp với quy định của Luật Thuế TNDN và Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.

3. Công văn số 4716/TCT-CS ngày 24/10/2014 của Tổng cục Thuế giới thiệu nội dung mới của Thông tư số 151/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 91/2014/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định quy định về thuế trong đó có nêu các nội dung mới thay đổi tại Thông tư:

(i) Bổ sung quy định doanh nghiệp được trính khấu hao vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN toàn bộ giá trị đối với xe ô tô làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô có giá trị trên 1,6 tỷ đồng.

(ii) Bổ sung quy định doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con  của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

(iii) Bổ sung quy định không thu thuế TNDN đối với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản đối với trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

(iv) Tăng thời gian được miễn thuế đối với thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thu nhập từ bán sản phẩm thử nghiệm và thu nhập từ sản xuất sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản phẩm khoa học công nghệ.

(v) Sửa đổi, bổ sung thu nhập được miễn thuế bao gồm “quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuậndo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc quyết định được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”.

(vi) Bổ sung hướng dẫn xác định ưu đãi thuế đối với dự án phân kỳ đầu tư và dự án trang bị bổ sung máy móc thường xuyên.

(vii) Sửa đổi, bổ sung thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghiệp được hưởng ưu đãi thuế bao gồm cả các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01/01/2009.

(viii) Về chuyển tiếp ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp dệt may bị ngừng ưu đãi thuế theo cam kết WTO do được hưởng ưu đãi thuế theo điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu và chuyển sang điều kiện ưu đãi khác thực tế doanh nghiệp đáp ứng.

4. Công văn số 1694/BTC-CST ngày 3/2/2015 về chính sách thuế TNDN đối với khoản DN chi mua bảo hiểm sức khỏe trong đó có hướng dẫn: Từ 01/01/2014, khoản doanh nghiệp chi mua bảo hiểm sức khỏe bao gồm bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe theo Luật kinh doanh bảo hiểm cho người lao động là khoản chi có tính chất phúc lợi. Tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp.

5. Công văn số 16200/BTC-TCT ngày 6/11/2014 về hạch toán kế toán và chính sách thuế đối với hoạt động góp vốn trong doanh nghiệp trong đó có hướng dẫn: Khi doanh nghiệp thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới theo quy định của pháp luật có thể phát sinh trường hợp số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra cao hơn giá trị phần vốn góp của thành viên đó trong tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp. Nếu khoản chênh lệch cao hơn giữa số tiền thành viên góp vốn mới phải bỏ ra so với giá trị vốn góp của thành viên đó được các thành viên góp vốn của doanh nghiệp thỏa thuận xác định là thuộc sở hữu chung của doanh nghiệp nhận vốn góp thì hạch toán vào tài khoản vốn khác (tài khoản 4118) trong nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhận vốn góp. Nếu các bên thỏa thuận khoản chênh lệch cao hơn nêu trên thuộc sở hữu riêng của một hoặc một số thành viên góp vốn cũ trong doanh nghiệp, không bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp thì khoản chênh lệch này là thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, thành viên góp vốn cũ nào có thu nhập phải kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

6. Công văn số 12404/BTC-TCT ngày 5/9/2014 về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng.

7. Công văn số 3819/TCT-CS ngày 6/9/2014, công văn số 3997/TCT-DNL ngày 16/9/2014 hướng dẫn về việc thanh toán bằng thẻ tín dụng để mua vé máy bay và chi phí của cá nhân được cử đi công tác nước ngoài trong đó có hướng dẫn:

Trường hợp doanh nghiệp cử cán bộ đi công tác nước ngoài nếu có phát sinh chi phí vượt mức 20 triệu đồng hoặc giao cho cá nhân tự mua vé máy bay thì việc thanh toán bằng thẻ tín dụng của cá nhân được cử đi công tác được chấp nhận đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và khoản chi này sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất;

+ Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử cán bộ đi công tác.

+ Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép cán bộ được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho cán bộ.

PHẦN 2 - VỀ KHAI THUẾ VÀ QUẢN LÝ THUẾ TNDN.

1. Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN bao gồm:

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC.

- Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động.

- Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC và Thông tư số 151/2014/TT-BTC (nếu có, tuỳ theo thực tế phát sinh của doanh nghiệp):

+ Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN, mẫu số 03-1B/TNDN, mẫu số 03-1C/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

+ Phụ lục chuyển lỗ theo mẫu số 03-2/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

+ Các Phụ lục về ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

+  Phụ lục số thuế TNDN đã nộp ở nước ngoài được trừ trong kỳ tính thuế theo mẫu số 03-4/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

+  Phụ lục thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo mẫu số 03-5/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 151/2014/TT-BTC.

+ Phụ lục báo cáo trích, sử dụng quỹ khoa học và công nghệ theo mẫu số 03-6/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

+ Phụ lục thông tin về giao dịch liên kết theo mẫu 03-7/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

+ Phụ lục tính nộp thuế TNDN của doanh nghiệp có các đơn vị sản xuất hạch toán phụ thuộc ở tỉnh thành phố trực thuộcTrung ương khác với địa phương nơi đóng trụ sở chính theo mẫu số 03-8/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

+ Phụ lục bảng phân bổ số thuế TNDN phải nộp của cơ sở sản xuất thủy điện cho các địa phương theo mẫu 02-1/TĐ-TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC.

+ Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư ở nước ngoài, ngoài các hồ sơ nêu trên, doanh nghiệp phải bổ sung các hồ sơ, tài liệu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thuế TNDN.

- Nếu Doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm), hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN đối với toàn bộ doanh thu tính thuế trong năm là tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp năm theo mẫu số 04/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC.

2. Hướng dẫn kê khai một số chỉ tiêu trên Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính

- Chỉ tiêu [B13] – Thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh: Chỉ tiêu này phản ánh tổng số thu nhập chịu thuế từ hoạt động kinh doanh và hoạt động khác (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản) và chưa trừ chuyển lỗ của cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế. Chỉ tiêu này được xác định theo công thức: [B13] = [B12]-[B14]

- Chỉ tiêu [B14] – Thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản: Chỉ tiêu này phản ánh tổng số thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) (chưa trừ chuyển lỗ năm trước chuyển sang) của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ chỉ tiêu [09] của Phụ lục 03-5/TNDN.

+ Chỉ tiêu [C3] - Chuyển lỗ và bù trừ lãi, lỗ: Chỉ tiêu này phản ánh tổng số lỗ từ hoạt động SXKD của các năm trước chuyển sang và số lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản để giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế.

 Số liệu chi tiết được phản ánh tại chỉ tiêu [C3a] và [C3b] dưới đây:

Chỉ tiêu [C3a] - Lỗ từ hoạt động SXKD được chuyển trong kỳ: Chỉ tiêu này phản ánh tổng số lỗ từ hoạt động SXKD của các năm trước chuyển sang (bao gồm cả số lỗ của hoạt động chuyển nhượng BĐS những năm trước chuyển sang mà số lỗ này chưa được chuyển lỗ vào thu nhập của hoạt động chuyển nhượng BĐS trong năm) để giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế. Chỉ tiêu này được lấy từ dòng “Tổng cộng” của cột (5) trên Phụ lục 03-2/TNDN kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN.

Chỉ tiêu [C3b] - Lỗ từ chuyển nhượng BĐS được bù trừ với lãi của hoạt động SXKD: Chỉ tiêu này phản ánh số lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong kỳ được bù trừ với lãi của hoạt động SXKD trong kỳ.  Chỉ tiêu này được lấy từ chỉ tiêu [11a] trên Phụ lục 03-5/TNDN kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN, số lỗ được phép bù trừ tối đa bằng với số thu nhập của hoạt động SXKD trong kỳ, do đó số liệu tại chỉ tiêu này không được lớn hơn giá trị của [C1] – [C2].

Lưu ý: Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, thu nhập của hoạt động SXKD trong năm thực hiện bù trừ và chuyển lỗ năm trước theo thứ tự sau:

 (1) Bù trừ với lỗ của hoạt động bất động sản trong năm.

 (2) Chuyển lỗ của hoạt động SXKD các năm trước chuyển sang.

 (3) Chuyển lỗ của hoạt động chuyển nhượng BĐS những năm trước chuyển sang mà số lỗ này chưa được chuyển lỗ vào thu nhập của hoạt động chuyển nhượng BĐS trong năm.

- Chỉ tiêu [E1] - Số thuế TNDN đã tạm nộp trong năm của hoạt động sản xuất kinh doanh: Chỉ tiêu này phản ánh số thuế TNDN thực tạm nộp cho phần phát sinh trong kỳ tính thuế. Số liệu tổng hợp vào chỉ tiêu này căn cứ vào chứng từ tạm nộp cho số thuế TNDN phát sinh trong năm (ngày trên chứng từ tính từ ngày bắt đầu năm tài chính đến ngày thứ 30 kể từ ngày kết thúc năm tài chính), không bao gồm chứng từ nộp cho các khoản thuế nợ của các kỳ tính thuế trước và số thuế nộp theo quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

Ví dụ: Trong năm 2014, doanh nghiệp A có các chứng từ nộp thuế TNDN của hoạt động sản xuất kinh doanh như sau:

- Ngày 20/3/2014, nộp thuế TNDN theo quyết toán thuế năm 2013 là 20 triệu đồng.

- Ngày 25/4/2014, nộp thuế TNDN tạm nộp quý I/2014 là 10 triệu đồng.

- Ngày 20/7/2014, nộp thuế TNDN tạm nộp quý II/2014 là 15 triệu đồng.

- Ngày 22/10/2014, nộp thuế TNDN tạm nộp quý III/2014 là 5 triệu đồng.

- Ngày 2/11/2014, nộp thuế TNDN theo quyết định của cơ quan thuế qua thanh tra, kiểm tra là 30 triệu đồng.

- Ngày 25/1/2015, nộp thuế TNDN tạm nộp quý IV/2014 là 25 triệu đồng.

Vậy số thuế TNDN tạm nộp trong năm 2014 của hoạt động sản xuất kinh doanh để ghi vào chỉ tiêu [E1] được xác định bằng: 10+15+5+25 = 55 triệu đồng.

3. Bổ sung một số trường hợp doanh nghiệp không phải khai quyết toán thuế TNDN và cơ quan thuế không phải thực hiện kiểm tra quyết toán thuế TNDN, cụ thể:

3.1. Trường hợp doanh nghiệp có chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi (như chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH sang Công ty cổ phần hoặc ngược lại; chuyển đổi Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật) thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ khai quyết toán thuế năm theo quy định.

3.2. Các trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động cơ quan thuế không phải thực hiện kiểm tra quyết toán thuế:

a) Doanh nghiệp, tổ chức thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động.

b) Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động nhưng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.

c) Doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có doanh thu bình quân năm (tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động) không quá 1 tỷ đồng/năm .

- Kể từ năm doanh nghiệp chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm pháp luật về hành vi trốn thuế.

- Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cao hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp nếu tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.

Đối với các trường hợp nêu tại tiết a, b, c điểm này, chậm nhất năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do người nộp thuế gửi (bao gồm quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động; các tài liệu chứng minh người nộp thuế thuộc các trường hợp nêu trên và đã nộp đủ số thuế phải nộp) thì cơ quan thuế xác nhận việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

4. Bổ sung quy định về cơ chế cơ quan thuế đặt hàng và sử dụng kết quả của các công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế để thực hiện kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động. Trong đó quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế; Quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. Đồng thời quy định Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành quy chế hướng dẫn cơ quan thuế các cấp thực hiện thống nhất việc sử dụng kinh phí và nguồn kinh phí chi trả cho công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo các hợp đồng dịch vụ để kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động./.

 
Nguồn: Tổng Cục thuế (http://gdt.gov.vn)